Nước cờ mới của Google tại Việt Nam

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tiết kiệm ít nhất 200 USD/năm nếu có chính sách sử dụng dịch vụ miễn phí Google Apps Việt hóa.

Google không ít lần gây khó khăn cho các đối thủ là Yahoo!, MSN bằng những độc chiêu của mình. Tại Việt Nam, Google lại có một nước cờ thật sự khác biệt, cung cấp email miễn phí cho công ty, doanh nghiệp có sở hữu tên miền. Liệu tất cả DN sẽ sử dụng dịch vụ miễn phí này?

Tiện - Lợi

Cách đây không lâu, Google thông báo rằng đã hỗ trợ tiếng Việt trong bộ sản phẩm Google Apps của mình. Đây là tin vui không chỉ cho người sử dụng cá nhân mà cho cả doanh nghiệp (DN). Bộ Google Apps là tập hợp các ứng dụng cho nhu cầu văn phòng và cộng tác, như email, lập lịch làm việc, trình soạn thảo, nhắn tin... Trong một DN, email là phương tiện truyền thông bắt buộc phải có để tạo mối tương tác trong và ngoài. Đương nhiên, DN phải tốn chi phí cho dịch vụ truyền thông này. Nhưng giờ đây có Gmail của Google Apps lại trao một chọn lựa mới cho họ.

Trong thực tế, DN Việt Nam hiện nay có 2 cách để đầu tư cho dịch vụ email của công ty. Hoặc là thuê hẳn 1 máy chủ cho dịch vụ email hoặc sử dụng dịch vụ email offline. Cả 2 đều phải trả một chi phí hàng tháng. Thí dụ DN sử dụng dịch vụ email offline, mỗi tài khoản email dung lượng 30MB và DN có 100 tài khoản email thì phải trả trung bình 300 USD/năm (giá của công ty Mắt Bão).

Đối với người dùng cá nhân, Google cung cấp miễn phí một hộp mail, tại thời điểm này là hơn 4GB. Tương tự như vậy, Gmail trong Google Apps cũng hơn 4GB mặc dù thông tin chính thức bên ngoài chỉ có 2GB và cũng được 100 tài khoản. Đặc biệt hơn là không phải lấy đuôi @gmail.com mà là @tencongty.com (hay @tencongty.vn/tencongty.com.vn). Như vậy, so với dịch vụ tiết kiệm nhất là mail offline, Gmail trong Google Apps vẫn còn tiết kiệm được hơn 200 USD/năm. Xin nói thêm rằng, để sử dụng được Google Apps, DN phải mua một tên miền (từ 10 - 35 USD/năm).

Hiện nay không ít cá nhân, DN, thậm chí có cả đài truyền hình, sử dụng loại Gmail miễn phí không cần tên miền (ai cũng đăng ký được) làm phương tiện liên lạc với khách hàng, đối tác. Nhưng cách làm này không giải quyết được 2 vấn đề cơ bản nhất của hệ thống, đó là tên và phong cách đặt tên email của DN. Gmail trong Google Apps đáp ứng được cả 2 vấn đề đó, nói một cách đơn giản, đáp ứng được nhu cầu truyền thông bằng mail của DN.

Cái giá phải trả

Vậy đâu là sự khác biệt giữa Gmail trong Google Apps và dịch vụ mail có phí? Câu trả lời là kiểm soát thông tin. Trong điều kiện thỏa thuận sử dụng dịch vụ của Google Apps, người dùng buộc phải chấp nhận một số điều khoản như cho phép Google tìm kiếm những từ khóa trong email của người dùng. Và thực chất người dùng không còn làm chủ tài sản thông tin của mình nữa và đó cũng là cái giá phải trả. Không làm chủ được tài sản thông tin là vấn đề người dùng đụng phải khi dùng bất cứ một dịch vụ truyền thông miễn phí nào. Đối tượng sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nên nghiên cứu thật kỹ các quy định về sử dụng dịch vụ miễn phí của các nhà cung cấp để quyết định sử dụng dịch vụ của họ hay không!!

Đó là còn chưa kể đến chuyện hiệu suất và sự hỗ trợ của dịch vụ. Hiện nay, Gmail của Google Apps đang ở thể loại beta và dịch vụ email miễn phí cũng chưa được công bố một cách chính thức. Do vậy, Google có rất ít trách nhiệm cũng như sự hỗ trợ người dùng. Chẳng hạn như vấn đề đảm bảo tính liên tục của dịch vụ, an toàn thông tin trong hộp mail đã không thấy đặt ra khi sử dụng dịch vụ Gmail của Google Apps.

Giả sử như Gmail của Google Apps được nhiều DN sử dụng thì các nhà cung cấp dịch vụ mail trong nước tiếp tục tồn tại? Thật sự thì cả 2 cùng tồn tại để đáp ứng từng đối tượng của mình. Và sự xuất hiện của Gmail Apps lại là động lực để xuất hiện nhiều dịch vụ gia tăng hơn cho dịch vụ mail có phí.

Để tiếp tục tồn tại, các công ty cung cấp phương tiện email không đơn giản là tăng dung lượng của mình lên mà còn phải tạo ra những tiện ích, thuận lợi mới cho người dùng trả phí như gửi email dung lượng file đính kèm lớn hay chống spam tốt hơn... Trong khi đó Gmail của Google Apps lại phù hợp cho những công ty có định hướng sử dụng email cho nội dung thông thường, không đặt nặng vấn đề an toàn thông tin hay chính sách tiết kiệm chi phí ứng dụng. Quyết định sử dụng dịch vụ có phí hay miễn phí Gmail của Google Apps phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của DN.

Vị thế mới

Hiện, số lượng người dùng email Yahoo! và MSN rất lớn, con số đã lên đến vài trăm triệu người. Đây là môi trường kinh doanh màu mỡ của các tập đoàn truyền thông. Trước kia Google nổi lên với dịch vụ tìm kiếm miễn phí. Nhưng sau đó, Google bắt đầu nhòm ngó thị trường của Yahoo!, MSN. Lúc đó người dùng của Yahoo!, hay MSN chỉ được sở hữu 1 hộp mail từ 3 - 5MB thôi.

Để “gây sốc” Google loan tin sẽ cung cấp dịch vụ mail cá nhân miễn phí dung lượng 1GB - điều quá sức tưởng tượng với người dùng lúc bấy giờ. Tuyên bố đó cũng đã thật sự đánh động tới 2 đàn anh Yahoo! và MSN của Microsoft, bởi sau “tin đồn” đó, cả 2 đều hứa hẹn rằng hộp thư người dùng sẽ được tăng dung lượng lưu trữ. Yahoo! và MSN buộc phải làm như thế để giữ chân người dùng của mình.

Chưa dừng lại ở mục tiêu lôi kéo người dùng email, Google lại cho ra đời Google Talk để người dùng Gmail có thể nhắn tin trực tuyến với nhau như Yahoo! hay MSN. Kết cục, cả 2 đại gia Yahoo! và MSN phải bắt tay với nhau để chống lại sự lớn mạnh của Google. Giờ đây người dùng của Yahoo Messenger cũng có thể chat được với bạn bè dùng MSN Messenger.

Trong cuộc chiến giành người dùng của cả 2 phía (một bên là Google và bên kia là liên minh Yahoo! MSN), Yahoo! đã hết chạy đua dung lượng vì hộp mail của Yahoo! không hạn chế đối với người dùng. Giờ đây, cả 2 bắt đầu dành sự ưu ái cho cấp độ quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, vừa mới đây, Yahoo! hỗ trợ cộng đồng Internet Việt Nam bằng chuỗi Café Internet theo tiêu chuẩn Yahoo!. Còn Google thì đưa ra Google Apps Việt hóa.

Đây là một bước đi thật sự gây chú ý của Google, sử dụng lợi thế của mình là cung cấp email trên 4GB và khả năng máy chủ email cực mạnh để thâu tóm nhu cầu sử dụng mail DN cũng như người dùng mail của Việt Nam. Cả 2 đại gia Google và Yahoo! đang so kè ở Việt Nam. Ai sẽ giành phần thắng về số lượng người dùng ở Việt Nam?

Đối với người dùng Việt Nam, “ai thắng ai” giữa Google và Yahoo! có lẽ không quan trọng lắm. Nhưng, đó cũng là một tin vui: thị trường Việt Nam đủ lớn để những tập đoàn CNTT toàn cầu phải có những cái nhìn và nỗ lực nghiêm túc.

Hải Phạm

->Xem chi tiết...

Lợi thế từ những cái “bắt tay”


Lĩnh vực sản xuất máy tính của Việt Nam sắp bước sang giai đoạn mới, không cạnh tranh hoàn toàn mà vừa cạnh tranh vừa hợp tác!

Trong một cuộc chơi nào đó, số người tham gia và luật chơi sẽ đảm bảo được ai trong số họ cũng có cơ hội ngang bằng nhau, ai cũng có thể thắng. Lý thuyết trò chơi gọi đó là điểm cân bằng. Điểm cân bằng bị phá vỡ khi người chơi có một lợi thế và sử dụng nó một cách hợp lệ để giành phần thắng.

Quá trình phát triển của thị trường máy tính Việt Nam cho tới thời điểm này tương tự một trò chơi giữa các thương hiệu máy tính trong ngoài nước. Ở một thời điểm các công ty có một cách khác nhau để phá vỡ thế cân bằng nhằm vươn lên phía trước, có thế là giá, có thể là thương hiệu..., và, bây giờ là cách của những cái “bắt tay”. Đi đầu cho phong cách này là FPT Elead: Tháng 10/2007 FPT Elead công bố trở thành đối tác lắp rắp máy tính cho HP và NEC.

Trong tháng 9/2007, công ty nghiên cứu thị trường Gfk công bố, máy tính để bàn loại lắp ráp thủ công chiếm 70% và máy bộ thương hiệu trong ngoài nước chiếm 30% thị trường máy tính để bàn Việt Nam. Vậy là FPT Elead đã nhanh chân hơn so với các công ty máy tính thương hiệu Việt để “chinh phục” thị phần 70% còn lại thật quá lớn này.

Giá trị của cái bắt tay

Cách đây 3 năm, khi FPT Elead dẫn đầu bảng xếp hạng bình chọn máy tính ưa chuộng nhất của tạp chí Thế Giới Vi Tính, HP đứng hạng 3. Năm nay, HP đã giành lấy vị trí số 1. Tất nhiên, không phải do thứ hạng thay đổi mà FPT Elead bắt tay với HP mà đây là một chiến lược “tựa vai” người khổng lồ để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh của mình so với các đấu thủ trong nước khác.

Cái được đầu tiên của FPT Elead là nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm. Nhìn lại những năm 2005, 2006, FPT Elead luôn nằm trong top đầu của nhiều giải thưởng khác như giải hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu mạnh... Tuy nhiên tất cả những danh hiệu đó đều ở phạm vi trong nước, và FPT Elead sản xuất máy tính cho HP, công ty bán máy tính số 1 thế giới, có nghĩa rằng chất lượng sản xuất đã được nâng lên, FPT Elead có cơ sở khẳng định rằng họ đã đáp ứng được những yêu cầu từ quốc tế. Không chỉ có HP đã ký kết với FPT mà NEC, một công ty máy tính nổi tiếng của Nhật Bản, cũng đã thỏa thuận với FPT Elead trong việc lắp ráp các dòng máy tính cung cấp cho thị trường các cơ quan chính phủ và giáo dục.

Cái được thứ hai, FPT được hưởng sự cộng hưởng sức mạnh lan tỏa của HP và NEC. Một chương trình quảng cáo để có thể tiếp cận được nhiều người thì thời gian diễn ra cần đủ lâu với cường độ liên tục. HP là một tập đoàn đa quốc gia và hàng đầu thế giới, họ đủ tài chính để tạo ra một luồng sự kiện và FPT Elead có thể tận dụng kênh truyền thông đó để loan báo về sản phẩm của mình mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

Còn cái khác là FPT tiếp tục giữ được khoảng cách với các công ty máy tính cạnh tranh trong nước. Nếu lấy hình mẫu FPT Elead cho các công ty sản xuất máy tính khác của Việt Nam thì họ phải trải qua lần lượt từng bước như đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại, xây dựng chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu... Hiện chỉ có CMS, TVB và Nguyễn Hoàng là có dây chuyền sản xuất, các thương hiệu khác vẫn dựa nhiều vào công nghệ “tuốc vít”.

Những cú bắt tay tương tự

Cạnh tranh không có nghĩa là đứng một mình mà còn có cả liên kết, liên minh lại với nhau thành một tổ chức mới, mạnh hơn, khó đánh bại hơn. Sau cái bắt tay của FPT với HP không lâu, ngày 12/10/2007 câu lạc bộ (CLB) các Doanh Nghiệp Sản Xuất Máy Tính Việt Nam ra đời. Gồm 7 công ty tên tuổi trong lãnh vực sản xuất máy tính trong nước. Đặc biệt FPT Elead cũng là thành viên và hai thành viên khác có dây chuyền sản xuất công nghiệp là CMS và VTB.

Hành động các công ty trong nước liên kết lại với nhau như một điều phải làm. Mặc dù trong CLB có cả FPT Elead nhưng đó là tình thế buộc những công ty trong nước cùng ngồi lại nếu muốn giữ vững thị phần và uy tín thương hiệu. Có thể ngay lúc này ý nghĩa CLB chưa phát huy rõ ràng nhưng đó lại là nền tảng để cùng chia sẻ lợi thế của mỗi công ty cho thành viên khác, tạo ra một lực lượng vừa có sức mạnh vừa có thị trường cho tất cả.

Trong CLB có đến 3 công ty có nhà máy sản xuất máy tính theo dây chuyền công nghiệp là CMS, TVB và FPT Elead. Các công ty này có thể là đối tác chính cho các thành viên trong trong CLB hoặc những đại gia nước ngoài như Acer, Dell, Lenovo... Và khả năng FPT Elead tiếp tục trở thành đối tác gia công cho các công ty khác là có nhưng không cao. Bởi FPT Elead cần tập trung vì thực chất, FPT Elead cũng phải cạnh tranh với HP bằng sản phẩm của mình. Tháng 11/2007 rồi, CMC Distribution đã có bước “xã giao” là phân phối máy tính Acer cho thấy CMS lắp ráp máy tính cho Acer tại Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tính theo số lượng, cũng đã có 4 công ty (tính thêm Nguyễn Hoàng Corp.) đạt chuẩn lắp ráp máy công nghiệp. Các công ty không có thế mạnh sỡ hữu nhà máy sản xuất sẽ giải quyết được bài toán chất lượng sản phẩm bằng cách thuê gia công và tập trung vào kinh doanh. Công ty tiếp tục phát triển kinh doanh bằng dòng máy tính thương hiệu của mình và cung cấp thiết bị chất lượng cao. Bởi máy tính lắp ráp vẫn tồn tại, nhưng thị trường này lại có yêu cầu khắt khe, họ có thể là sinh viên sành kỹ thuật, các game thủ và người ham mê công nghệ.

Trong tương lai, nhiều công ty sẽ sắp xếp lại mục tiêu cũng như thay đổi định hướng chiến lược phát triển của mình theo mối tương quan mới. Và lợi thế “tựa vai” người khổng lồ sẽ giúp một số công ty đạt những lợi thế ban đầu nhưng sẽ không là tuyệt đối và ý thức cạnh tranh sẽ tạo ra một điểm cân bằng mới.

Hải Phạm

->Xem chi tiết...

2008: Khi CNTT-TT đã ngấm…

CNTT-TT Việt Nam đã trải qua những sự kiện lớn trong năm 2007. Những người làm và khai thác, sử dụng CNTT-TT đã sải được những bước tiến dài, rộng và “vấp” vài hố sâu.


Dù chỉ mới có chừng 1/5 – 1/4 dân số toàn quốc thường xuyên tiếp xúc với máy tính và Internet, khoảng 1/3 dân số thường xuyên sử dụng các trang thiết bị CNTT, không thể phủ nhận CNTT-TT đã ngấm vào nền kinh tế nói riêng và đời sống xã hội Việt Nam nói chung.

Làm được và chưa làm được!

Một bộ phận trong xã hội vẫn cho rằng “Máy tính làm được hết!”. Thực sự là không thể nhưng suy nghĩ này cũng có tác dụng quảng cáo rất tốt cho CNTT. Mỗi máy tính được điều khiển bởi một (vài) hệ điều hành nào đó với những phần mềm ứng dụngcụ thể chỉ giải quyết được một số lượng hữu hạn nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, theo số lượng phần mềm cài đặt, số lượng nhiệm vụ máy tính đảm đương được có thể là rất lớn.

Với những doanh nghiệp (DN) mới thành lập, do vốn liếng hạn chế, việc đầu tư vào trang thiết bị, trong đó có cả máy tính còn gặp nhiều trở ngại. Các DN thường chỉ “qua” được giai đoạn mua phần cứng, khá hơn thì mua hệ điều hành và ứng dụng văn phòng, không nhiều DN sử dụng các phần mềm chức năng - nghiệp vụ như kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản lý quan hệ khách hàng… Thế nhưng, điều đáng để DN đầu tư lại nằm ở những phần mềm chức năng này.


Nếu DN quyết tâm, đầu tư ngay những phần mềm phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của mình, những đồng vốn đó sẽ giúp DN làm được những công việc mà trước sau đều phải làm một cách tốt nhất. Trong trường hợp này, vốn (chuyển thành máy) sẽ thay người giải quyết những phần việc không ai làm thay được (đây là kinh doanh dựa vào vốn). Cũng là sản phẩm trí tuệ nhưng phần mềm cho phép tự động hoá hàng loạt công việc hay toàn bộ quy trình nên có nó, hoạt động của DN sẽ sớm được chuẩn hoá.

Ở tầm quốc gia, hệ thống CNTT-TT có thể giải quyết được những bài toán lớn (đảm bảo thông tin thông suốt trên Internet chẳng hạn). Thế nhưng, để giải quyết những bài toán lớn hơn như đã từng đặt ra trong các chương trình CNTT-TT quốc gia, trong đó có đề án 112 thì nền hành chính, nền kinh tế và cả nền công nghệ nước nhà phải có thêm nhiều điều kiện nữa.

Khi mới ra đời, siêu máy tính cũng chỉ được các nhà khoa học gán cho chức năng chính là tính toán dự báo thời tiết. Nay, để các hệ thống máy tính tham gia vào các công việc chưa được chuẩn hoá hoàn toàn hay vẫn ít nhiều “trừu tượng” như điều hành bộ máy hành chính nhà nước, các nước - trong đó có Việt Nam - phải thực hành công tác nghiên cứu – triển khai (theo hướng này) nhiều hơn nữa. Nếu đến thời điểm cuối 2008, Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tất cả công chức biết sử dụng phần mềm ứng dụng văn phòng và Internet thì đã là quá tốt.


Thị trường quan trọng bậc nhất

Thị trường CNTT phát triển, bệnh viện máy tính phát triển theo.
Thị trường CNTT-TT (bao gồm mua bán trang thiết bị, giải pháp, phần mềm và các dịch vụ) ở Việt Nam là một trong những mảng thị trường “nóng” nhưng chưa thu được nhiều tít đậm trên các trang báo của năm 2007. Trong năm 2007, quan tâm về thị trường đều có khuynh hướng nói về chứng khoán hoặc bất động sản – những thứ tuy có ít người thực sự đụng chạm nhưng do giá trị lớn nên được cả xã hội theo dõi. Nhưng dù có được đề cập ít hay nhiều, thị trường CNTT-TT luôn luôn đầy ắp người bán sỉ, bán lẻ, kẻ mua nhiều, mua ít với những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như RAM, chip, ổ cứng hay bút nhớ… giá chỉ “vài chục – vài trăm” (USD)...

“Tổng thị trường máy tính cá nhân (PC) quý 3/2007 là 329.000, tăng 32% so với cùng kỳ 2006. IDC đánh giá thị trường quý 3/2007 là bước đệm tốt và đầy tiềm năng cho mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt với các dự án của phân khúc chính phủ và các DN. Trong đó, lượng PC để bàn và MTXT tăng trưởng lần lượt 45% và 141% so với cùng kỳ 2006. IDC nhận định rằng thị trường đang dần chuyển biến theo hướng tích cực với xu hướng tăng cao lượng MTXT nhờ vào các cải thiện về mặt giá cả, chất lượng và thiết kế. Trong năm 2008, tổng lượng PC nhập khẩu vào Việt Nam dự báo đạt 1.769.000 chiếc, trong đó, lượng PC để bàn dự báo tăng 25% và MTXT dự báo tăng 52%” – Báo cáo “Nghiên cứu thị trường PC hàng quý, quý 3/2007” của IDC Vietnam.

Nghiên cứu thị trường máy tính Việt Nam của IDC chỉ cho ta thông tin về máy tính để bàn và MTXT, không đề cập các trang thiết bị mua thêm, mua để nâng cấp… Tuy nhiên, nội chừng đó cũng đủ cho thấy, một năm sau khi gia nhập WTO, thị trường trang thiết bị CNTT-TT ở Việt Nam đang ở kỳ tăng trưởng rất cao. Một nguồn tin tin cậy khác là tổng cục Hải Quan cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng này. Trong số liệu xuất nhập khẩu chính ngạch tháng 10/2007 có thông tin “Xuất nhập khẩu trang thiết bị tin học 10 tháng của năm 2007 đã đạt 2.742 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2006”. Chỉ với xuất nhập khẩu chính ngạch, thị trường của các trang thiết bị CNTT (chủ yếu là bo mạch, máy in, linh kiện…) đã vào khoảng 3 tỷ USD/năm. Để biết chi tiết có bao nhiêu trong số đó hiện diện trên các quầy kệ CNTT, bạn chỉ cần bỏ chút công sức bóc tách số liệu. Đáp số (tiền tỷ USD) được cho là… đủ lớn!

Một khi CNTT-TT đã trở thành công cụ làm việc và giải trí chính tại văn phòng và gia đình, một sự cố bất kỳ gây gián đoạn công việc hay khiến người dùng phải ngừng cuộc chơi đều khó có thể bỏ qua. Cũng do thông tin có đặc thù riêng và đặc biệt quan trọng nên mọi người thường có khuynh hướng khắc phục nhanh nhất các sự cố liên quan. Phải thừa nhận, thị trường trang thiết bị, giải pháp, phần mềm, dịch vụ CNTT-TT đang có vai trò rất quan trọng bậc. Thật vậy, ngoài với con người, cũng chỉ có các hệ thống máy tính là có bệnh viện và các trung tâm ứng cứu khẩn cấp (cấp cứu).

Xây dựng xã hội thông tin tốt đẹp

Khái niệm xã hội thông tin hiện được chấp nhận rộng rãi với một điều kiện: CNTT đóng vai trò công cụ then chốt. Thực sự thì xã hội thông tin xuất hiện từ khi con người tiến lên hệ thống thông tin chữ viết - công cụ xử lý, lưu giữ và lan truyền thông tin hữu hiệu ở tình huống lịch sử ra đời của nó, chỉ thiếu mỗi chức năng là tự động hoá. Ngày nay, xã hội bắt đầu sống bằng và vì một lượng thông tin cực lớn được xử lý tự động nhờ công nghệ tính toán, bao quát hầu hết phạm vi cuộc sống từ học tập đến công việc; chữa bệnh và nghỉ ngơi, mua sắm và giải trí.

Một game thủ có thể trả vài chục USD cho một tựa game bản quyền hay, như người khác mua một đĩa nhạc hay phim hay vậy. Game thủ đắm mình vào game đó, trải qua những giờ phút giải trí (nếu chơi cho vui) hoặc hình thành trong đầu quy trình kiếm tiền từ game đó (nếu chơi chuyên nghiệp). Trường hợp game thủ chơi để kiếm sống, không cần giải thích thêm ý nghĩa cụm từ xã hội thông tin ứng vào anh ta. Nếu game thủ lại thuộc tuýp người thứ 3, chơi cho vui nhưng kể lại cho người khác bằng bài viết thì khái niệm xã hội thông tin ứng với anh ta càng đúng: tiền bán bản quyền bài viết giúp game thủ vừa mua được game tiếp theo – vừa mang sự trải nghiệm đến cho mọi người. Người mua đĩa nhạc, đĩa phim cũng vậy. Khi tiến lên đến mức người nghe hay xem chuyên nghiệp… có thể sống bằng các bài bình luận về thông tin đó hay bằng những chuyển thể nghệ thuật từ chúng thì có lẽ xã hội thông tin sẽ toàn thắng.

Vậy, xã hội thông tin đã xuất hiện ở Việt Nam chưa? Với những đòi hỏi cao thì chưa: Vì một bộ phận quá nửa dân số vẫn chưa tiếp cận được với CNTT-TT. Chỉ có thể khắc phục vấn đề này sau thời gian đủ dài (đến 2015 – 2020) để nền kinh tế tiến lên đẳng cấp mới với các vùng nông thôn cũng có tiềm lực đủ mạnh và bộ phận dân cư chưa tiếp cận được công nghệ hôm nay nỗ lực vươn lên - tự đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những hình mẫu: hầu như toàn bộ giới truyền thông Việt Nam chuyển tải thông tin nhờ CNTT và sống bằng thông tin; những nhà quảng cáo chuyên nghiệp hơn ai hết sử dụng thành thạo CNTT, làm thông tin quảng cáo và sống bằng nó…

Trong dân cư, hình thức xây dựng và duy trì nhật ký trên mạng (blog) cũng là một minh họa tốt cho xã hội thông tin. Hiện tượng blog bẩn trong năm 2007 chỉ nói lên một điều: Ngay cả những người tiếp cận được với CNTT cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng xây dựng một xã hội thông tin tốt đẹp. Trong xã hội thông tin, công cụ không bao giờ có lỗi, blog cũng vậy. Chỉ có những người vận hành các công cụ đó với mục đích xấu thì có lỗi, với mục đích tốt thì có công. Trong năm 2008, Internet Việt Nam nói chung và blog nói riêng vẫn sẽ là các đối tượng được quan tâm nhất.

Nguyễn Như Dũng

->Xem chi tiết...

Cách học hiệu quả tiếng Anh chuyên ngành CNTT


Như các lĩnh vực khác, để học công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả thì tiếng Anh là công cụ hỗ trợ đắc lực. Sau khi tốt nghiệp, với kiến thức CNTT giỏi và vốn tiếng Anh thông thạo, ứng viên sẽ dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, trong thực tế không nhiều người hội tụ đủ cả hai yếu tố này. Khá nhiều sinh viên giỏi về chuyên ngành CNTT nhưng trình độ tiếng Anh kém nên đã bỏ qua nhiều cơ hội việc làm. Vậy, để học tốt tiếng Anh chuyên ngành CNTT, sinh viên phải học như thế nào?



Trước tiên, người học cần có kiến thức căn bản về văn phạm. Nhiều sinh viên bị hổng kiến thức cơ bản từ bậc phổ thông; thậm chí có sinh viên khu vực vùng sâu, xa chưa từng học Anh văn. Do đó, ngay khi bắt đầu học chương trình CNTT, sinh viên nên tăng tốc học tiếng Anh để lấy lại nền tảng; bên cạnh đó tự trang bị thêm kiến thức CNTT cơ bản như khái niệm về phần cứng, phần mềm, linh kiện máy tính, các công nghệ mới...; từ đó dễ hình dung và hiểu được ý nghĩa các cụm từ, khái niệm mô tả trong tài liệu học tiếng Anh chuyên ngành.
Đọc, hiểu là hai kỹ năng tiếng Anh đòi hỏi sinh viên CNTT phải đáp ứng để có thể xem tài liệu, sách, Internet hoặc tài liệu hướng dẫn. Tốt nhất, tiếng Anh nên tương đương trình độ B. Về vốn từ chuyên môn, sinh viên cần tập trung trau dồi trong quá trình học. Nếu xác định sẽ học tiếp chương trình liên thông với các trường đại học nước ngoài, song song với việc học chuyên ngành CNTT, sinh viên cần học thêm tại trung tâm Anh ngữ để lấy bằng TOEFT hoặc TOEIC vì đó là điều kiện để học liên thông.


Từ điển chuyên ngành CNTT bỏ túi để tra cứu từ vựng và quyển sổ tay để ghi chép điều cần nhớ là những thứ không thể thiếu. Từ điển Wikimedia, phần mềm tự điển Lạc Việt sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tra cứu từ vựng, diễn giải khá chi tiết các khái niệm trong ngành CNTT. Đối với bài học về tên linh kiện máy tính như cổng, khe cắm trên Mainboard, ROM, RAM... sinh viên nên áp dụng phương pháp học trực quan để dễ nhớ từ mới như vừa xem vị trí mô tả trên hình minh họa, vừa xem thực tế trên linh kiện.
Khá nhiều sách chuyên ngành CNTT sau khi dịch ra tiếng Việt không còn giữ được độ chính xác cao về nội dung, ngữ nghĩa. Vì thế, đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn nội dung của chủ đề cần tham khảo, đồng thời có thể củng cố thêm được rất nhiều từ mới. Ở lĩnh vực phần mềm, học viên có thể tìm sách giáo khoa để đọc, qua đó trao đồi kỹ năng chuyên môn lẫn vốn tiếng Anh tại http://www.amazon.com; http://en.wikibooks.org;... hoặc Website học về lập trình http://www.w3schools.com; http://www.vovisoft.com. Riêng về hệ thống mạng, sinh viên nên đọc bộ tài liệu RFC. Bộ tài liệu này có thể vào Google để tìm kiếm.
Sách báo, tạp chí song ngữ chuyên ngành CNTT rất hữu ích cho việc học tiếng Anh vì bài viết thường đề cập những chủ đề thiết thực gần gũi trong lĩnh vực CNTT. Người đọc sẽ dễ hiểu và nhớ ngay những từ ấn tượng, những khái niệm mới nhanh chóng. Thầy Nguyễn Tam Trung, giảng viên tại SaiGonCTT cho biết: “Đọc nhiều là cách học từ vựng nhanh nhất. Sử dụng từ điển hoặc Google để tra từ và lưu lại những gì mình học bằng những phần mềm lưu trữ. Có thể tạo file text hoặc excel để học từ, chia làm nhiều cột, cột cho từ, cột cho nghĩa và cột cho đường link dẫn đến nơi gặp từ này. Lâu dần, sinh viên sẽ có được vốn từ vựng khá”.

->Xem chi tiết...